Kỹ thuật chăn nuôi nhím hiệu quả không phải ai cũng biết

Kỹ thuật làm chuồng chăn nuôi nhím

Nhím là loài rất dễ nuôi, thậm chí có thể nuôi ngay trên sân thượng của nhà cao tầng. Diện tích chuồng nuôi cũng không cần rộng lắm, trung bình chỉ cần ~1m2/con. Chuồng nuôi nhím nên làm kiểu nửa sáng, nửa tối, không cần có ánh sáng trực tiếp, chỉ cần tránh mưa tạt và nắng nóng, cũng như đảm bảo khô thoáng sạch sẽ. Nền chuồng và sân chuồng làm bằng bê tông dày ~8 – 10cm, nghiêng khoảng 3 – 4%, để dễ thoát nước và để nhím không đào hang chui ra ngoài… Xung quanh chuồng rào bằng lưới thép B40, cao trên 1,5m.

chuồng nhím

Nhím thích sống trong hang nhưng ta không nên làm hang ngầm dưới lòng đất. Ta có thể làm hang giả bằng tôn uốn cong hoặc ống nước phi 50 – 60cm, để nổi ở trên nền chuồng, vừa dễ vệ sinh lại vừa dễ sát trùng. Trong chuồng nên để một vài khúc gỗ, khúc xương hoặc đá liếm để nhím có thể mài răng và không cắn phá chuồng. Cần lưu ý, xương phải được luộc kỹ, bỏ hết thịt, tuỷ và gân.

Chuồng nhím phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo có rãnh thoát nước, hướng đông nam. Chuồng nên làm ở nơi yên tĩnh, tránh nơi đông đúc và ở cuối hướng gió.

Cấu tạo của chuồng nhím:

Chuồng nhím bao gồm nhiều ô: khu nuôi nhốt có thể làm 1 hay nhiều dãy như là bàn cờ, giữa các dãy có lối đi rộng ~1m; có rãnh thoát nước ở 2 bên chuồng. Diện tích chuồng nuôi trung bình ~1m2/con. Mỗi ô có kích thước (dài x cao x rộng): 1,5m x 1-1,2m x 1 – 1,5m.

Thành chuồng nên xây bằng gạch hoặc khung lưới sắt (lưới thép ô vuông, đường kính sợi thép ~1mm). Nếu dùng khung lưới sắt thì chân thành chuồng phải xây kín cao ~20 – 30cm.

Nền chuồng nên làm bằng bê tông hoặc gạch dày ~8 – 10cm, có độ nghiêng về phía rãnh phía sau từ 3 – 5% và có lỗ thoát nước để rửa chuồng. Nên thiết kế cửa sau để dọn phân, và cửa trước ~30 x 40cm để có thể lùa nhím từ ô này tới ô khác. Và không thể thiếu máng ăn, máng uống cho nhím ~20 x 25cm.

Chọn giống nuôi

nhím giống

Khi mua nhím giống về nuôi, chú ý là phải mua nhím ở những địa chỉ tin cậy, đảm bảo nhím đã thuần hoá, tránh mua nhím rừng vì nhím rừng rất khó chăm sóc, khó sinh sản. Đặc biệt, nhím cần có lai lịch, nguồn gốc rõ ràng và phải có chứng nhận, giấy kiểm dịch của cơ quan kiểm lâm.

Nên chọn nhím tơ làm giống: Khi chọn mua, nên chọn nhím con, nhím tơ, không mua nhím già.

Nhím con là nhím vừa mới lẻ mẹ, đã dứt sữa và biết ăn rành. Nhím tơ là nhím dưới 6 – 7 tháng tuổi, chưa đến tuổi động dục. Hai loại nhím này, nếu cho ăn uống đầy đủ, chăm sóc đúng cách thì sẽ phát triển rất nhanh. Nhím già sinh sản kém, do đó thời gian hưởng lợi không được nhiều.

Nên mua nhím cái và nhím đực khác bầy đàn: Đối với nhím nuôi lấy thịt, nhím cái và nhím đực cùng bầy đàn thì không sao. Nhưng nuôi sinh sản thì nên chọn con đực và con cái khác bầy đàn là tốt nhất. Điều này nhằm tránh được sự đồng huyết, điều tối kị đối với loài nhím. Nên chọn nhím đực ở vùng này và nhím cái ở vùng khác để nuôi.

Tiêu chuẩn chọn giống

Nên chọn nhím cái có sức khỏe tốt, hiền lành và ăn nhiều. Còn với nhím đực, nên chọn con mập mạp, mạnh khỏe, hung dữ và nhanh nhẹn.

Thức ăn của nhím

Nhím là loài động vật ăn tạp, thức ăn của chúng vô cùng đa dạng: mầm cây, rễ cây, rau, củ, quả,…

thức ăn cho nhím

Thức ăn xanh:

Trong khẩu phần ăn của nhím, thức ăn xanh chiếm đa số (~90%) và là loại thức ăn có sẵn cũng như dễ kiếm nhất quanh năm. Thức ăn xanh gồm các loại lá cây, củ quả hay phụ phế phẩm công nghiệp. Vì đây là loại thức ăn chứa nhiều nước nên nhím thích và ăn nhiều. Chúng cung cấp các loại dưỡng chất như protein, đường, canxi, phốt pho,…

Thức ăn tinh:

Trong khẩu phần ăn của nhím, lượng thức ăn tinh của nhím chiếm không nhiều (~5 – 10g cho một nhím trưởng thành). Nhím thường bổ sung thức ăn tinh vào buổi tối. Có thể cho nhím ở mọi lứa tuổi sử dụng thức ăn tinh. Nếu chỉ nuôi số lượng ít, ta nên dùng cám viên. Nếu nuôi với số lượng lớn, ta nên tự mình phối trộn rồi ép thành cám để tiết kiệm chi phí. Bà con có thể tham khảo các dòng máy ép cám viên tại đây.

Thức ăn bổ sung:

Trong khẩu phần ăn của nhím, loại thức ăn này chỉ chiếm một lượng nhỏ như là chất khoáng hay vitamin,… Tuy nhiên để chăn nuôi nhím hiệu quả vẫn cần bổ sung đầy đủ để nhím phát triển một cách toàn diện nhất.

Chúc bà con thành công với những kiến thức về chăn nuôi nhím mà Bình Minh chia sẻ.