Ngựa bạch là loài ngựa thường được sử dụng để bán lấy thịt hoặc nấu cao. Do ngựa bạch có vẻ ngoài đẹp mã nên cũng có một số dịch vụ cưỡi ngựa bạch hay dùng ngựa bạch kéo xe hoa trong ngày cưới. Ngựa bạch là một giống ngựa quý hiếm, có thể dùng xương và thịt để làm thuốc chữa bệnh nên giá của một con ngựa bạch khá cao. Hãy cùng Bình Minh tìm hiểu mô hình chăn nuôi ngựa bạch ở xã Hữu Kiên (Lạng Sơn) nhé.
Mô hình nuôi ngựa bạch
Là một địa phương vùng núi, trước đây, bà con xã Hữu Kiên, huyện Chi Lăng quanh năm bám núi bám rừng, làm nương rẫy, trồng lúa khoai kiếm thu nhập trang trải qua ngày. Không cam chịu cảnh nghèo khổ, người dân quyết chí làm giàu bằng mô hình chăn nuôi ngựa bạch. Dọc theo cung đường núi quanh co, không khó để bắt gặp cảnh người dân đang đi chăn ngựa. Nhà nghèo thì nuôi một hai con, nhà nào khấm khá có đến vài chục con ngựa bạch.
Chia sẻ của chủ hộ nuôi ngựa bạch
Ông Thao, chủ cơ sở nuôi ngựa bạch chia sẻ “Trước đây, người ta thường không nuôi con cho học đại học hay cao đẳng gì hết. Cứ học hết cấp hai hoặc cấp ba là phải nghỉ học để ở nhà làm lụng, giúp đỡ kinh tế gia đình hay lấy chồng, làm thuê. Vậy mà nhờ có mấy con ngựa này tôi đã có thể cho 4 đứa con của mình ăn học đàng hoàng, đứa nào cũng vào đại học, cao đẳng hết. Mình không được học hành tử tế thì phải cố gắng cho con cái có cái kiến thức mà bươn chải”.
Theo lời các hộ chăn nuôi ngựa bạch, ngựa bạch trên 6 tháng tuổi được xuất bán với giá khoảng 50 – 70 triệu đồng/con, cao gấp đôi so với giống ngựa thường. Đặc biệt, ngựa bạch trưởng thành có giá lên tới 80 – 100 triệu đồng/con.
Khởi đầu của cơ duyên
Gia đình ông Thao đã nuôi ngựa từ lâu. Khởi đầu chỉ có 2 – 3 con chủ yếu để chở ngô, chở khoai sắn. Mùa mưa đường núi trơn trượt, sình lầy vô cùng. Đi bộ thì không thể nào gánh nổi. Vì thế, ngựa trở thành phương tiện vận chuyển chính trong mùa. Người dân nuôi ngựa lấy sức kéo là chính.
Dần dà, khi phát hiện giống ngựa bạch có giá trị kinh tế cao hơn, ông tiến hành nhân giống. Ban đầu, ông mạnh dạn vay vốn để làm 20 chuồng ngựa. Ông cho nuôi kết hợp nhân giống để tăng số lượng của đàn ngựa. Tới nay, quy mô tại ngựa của ông đã có tới 30 con.
Từ khi chuyển sang nuôi ngựa bạch, mỗi năm ông thu lãi hơn 500 triệu đồng. Nhờ vậy, 4 người con đều được tạo điều kiện theo đuổi con đường học hành.
Phương thức cho ăn
Khi cho ngựa ăn, ông Thao tiến hành băm nhỏ hoặc xay nhuyễn các loại cỏ bằng máy băm cỏ, giúp ngựa có thể tiêu hóa dễ dàng. Tiếp đến, ông phối trộn các loại thức ăn theo tỷ lệ nhất định. Điều này hỗ trợ ngựa hấp thu đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết và phát triển một cách toàn diện nhất.
Khác biệt từ khi chuyển đổi
Ông Thao cho biết nếu chỉ trồng trọt quanh năm, thu nhập tối đa một năm của gia đình chỉ được 20 – 30 triệu đồng, không tài nào đủ để trang trải cuộc sống huống chi là cho các con đi học. Nhưng từ khi có đàn ngựa, chúng ‘cân’ được tất. Ông không phải nợ ngân hàng một đồng nào. Lúc nào cần tiền lại bán đi một con ngựa. Ông bố tạo mọi điều kiện cho các con được ăn học nên người.
Cả địa phương cùng làm giàu
Không chỉ riêng gia đình ông Thao, nhiều hộ dân khác trong vùng cũng có đủ tiền trang trải nuôi con ăn học đủ đầy nhờ nghề nuôi ngựa bạch. Anh Thái, hàng xóm của ông Thao cho hay, gia đình anh nuôi 7 – 8 con ngựa. Mỗi năm xuất chuồng 3 – 4 con, thu nhập gần 150 triệu đồng. Hai bé nhà anh Thái còn nhỏ, học phí mỗi năm chỉ tốn vài triệu đồng. Anh tự tin có thể lo cho hai con ăn học đến nơi đến chốn. Con gái của anh Thái, bé Thư chia sẻ: “Mỗi lần bố cháu bán ngựa, cháu thấy buồn vì phải chia tay với ngựa, nhưng lại được bố mua cho nhiều đồ dùng học tập, sách vở”.
Chi Lăng là huyện miền núi thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đây là địa phương sở hữu số ngựa bạch lớn nhất nhì trên cả nước. Địa bàn huyện có tổng cộng 3.000 con ngựa, tính riêng xã Hữu Kiên có gần 2.000 con. Nơi đây đã trở thành thủ phủ chăn nuôi ngựa, trong đó ngựa bạch có hơn 1.000 con. Ngựa trở thành nguồn thu nhập vừa giúp địa phương xoá đói giảm nghèo vừa góp phần phát triển kinh tế – văn hoá – giáo dục nơi đây.
Trên đây là chia sẻ về mô hình nuôi ngựa bạch của địa phương Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn. Cảm ơn bà con đã quan tâm và theo dõi.