Thời tiết nắng nóng oi bức dễ gây stress cho vật nuôi làm giảm năng suất sinh sản, hoặc nếu nuôi ở mật độ cao dễ gây dễ phát sinh lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Đặc biệt là đối với heo nái là “máy in tiền” của ngành chăn nuôi. Sau đây là một số biện pháp chăm sóc heo nái trong mùa nắng nóng.
Tại sao heo rất nhạy cảm với stress nhiệt? Hầu hết, các loài động vật phản ứng tự vệ khi nhiệt độ môi trường tăng cao bằng cách tiết nhiều mồ hôi và thở hổn hển, hơi nước thoát ra theo mồ hôi và hơi thở sẽ mang theo nhiệt làm giảm thân nhiệt. Tuy nhiên, các tuyến mồ hôi trên da heo hầu hết bị thoái hóa, do đó, khả năng thoát nhiệt của heo bằng cách tiết mồ hôi gần như không diễn ra. Heo chỉ còn cách tăng nhịp hô hấp để thoát nhiệt bằng đường hơi thở.
Các dấu hiệu có thể nhận thấy rõ ràng khi heo đang bị stress nhiệt là gia tăng nhịp thở, da đỏ và mất cảm giác ngon miệng. Nếu nhiệt độ môi trường tiếp tục tăng, heo uống nhiều nước hơn và máu bị acid hóa cao, dẫn đến heo có thể tử vong trong trường hợp nặng.
Những tác hại của stress nhiệt ở heo nái
Ảnh hưởng của nhiệt độ cao đối với heo nái hậu bị, nái khô và nái bầu
Stress nhiệt có ảnh hưởng bất lợi về sinh sản của heo nái. Nếu nhiệt độ cao hơn 27oC thì sẽ làm chậm hoặc ngăn chặn việc động dục của heo nái, giảm tỉ lệ thụ thai và tăng tỉ lệ chết phôi sớm.
– Trong quá trình thụ tinh và định vị phôi (13 ngày đầu tiên của thai kỳ) có thể làm giảm sự sống của phôi 30 – 40% (Curtis 1981)
– Nếu stress nhiệt xảy ra một vài tuần trước khi đẻ sẽ dẫn đến tăng số lượng heo chết lưu.
Ảnh hưởng của nhiệt độ cao đến heo nái nuôi con
Heo nái nuôi con có nhu cầu dinh dưỡng rất cao để đảm bảo tiết đầy đủ sữa. Nếu thiếu dinh dưỡng, heo sẽ huy động dinh dưỡng của cơ thể. Ví dụ: Một heo nái nuôi 10 heo con sẽ sản xuất trung bình 2,5 – 3 lít sữa/ngày. Để sản xuất lượng sữa này, heo phải cần tiêu thụ lượng thức ăn trung bình khoảng 5,5 kg/ngày.
Heo nái nuôi con được quan sát khi nhiệt độ cao hơn 25oC sẽ làm heo giảm sự thèm ăn. Lượng thức ăn giảm sẽ dẫn đến giảm năng suất sữa, giảm trọng lượng heo con cai sữa và tăng sự hao mòn cơ thể heo nái quá mức sẽ làm heo nái chậm lên giống lại sau khi cai sữa. Nếu đậu thai thì số con ở lứa tiếp theo có thể sẽ giảm.
Biện pháp chăm sóc heo nái mùa nóng
Vệ sinh chuồng trại
Nên vệ sinh chuồng trại kỹ vào những ngày nóng vì nhiệt độ nóng sẽ làm cho khí độc bốc lên từ nước tiểu và phân nhiều hơn. Trong giai đoạn này, heo thường kém tiêu hóa, giảm sức đề kháng với các mầm bệnh nên sẽ dễ nhiễm bệnh hơn.
Chăm sóc heo nái và cho ăn
– Có thể tắm cho heo 1 – 2 lần/ngày để làm ẩm da và mát cho heo nái.
– Chú ý khi úm heo con theo mẹ nên để nguồn nhiệt xa vùng đầu heo mẹ hoặc có ô úm riêng giúp giảm nhiệt độ khu vực nái.
– Chú ý cách cho ăn:
+ Thức ăn trong mùa nóng phải tăng lượng dinh dưỡng nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của heo.
+ Bổ sung các acid amin, vitamin C, E, cũng như các khoáng chất cho heo. Nên dùng máy xay đa năng xay nhỏ nhuyễn các loại phụ phẩm như rau bèo, cá tạp, ngô,….để bổ sung cho heo.
+ Giữ thức ăn luôn mới, vì khi thời tiết nóng ẩm dễ làm cho thức ăn bị hư hỏng, mất mùi thơm gây giảm tính thèm ăn cũng như giảm chất lượng.Nên dùng máy ép cám viên ép thức ăn cho lợn thành cám viên để bảo quản thức ăn được lâu hơn
+ Có thể cho heo ăn dạng lỏng giúp heo dễ ăn hơn.Nên dùng máy xay nghiền đa năng xay nhuyễn thức ăn rồi trộn đều cho heo ăn.
+ Cho heo ăn thường xuyên hơn, cho heo ăn nhiều bữa nhỏ/ngày sẽ giúp heo ăn nhiều thức ăn hơn, ưu tiên vào thời gian sáng sớm hoặc chiều tối và ban đêm. Điều này sẽ giúp heo giảm lượng nhiệt tỏa ra khi tiêu hóa thức ăn và giảm lượng nhiệt heo cần phải tiêu tan.
Chuẩn bị chuồng trại
– Hướng chuồng tốt nhất là Đông – Tây sao cho tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào chuồng nuôi.
– Mái chuồng được thiết kế cao ráo, thông thoáng, tránh mưa tạt (cách mặt nền từ 2,8 – 3m), vật liệu làm mái chuồng không quá nóng, nên có la phông hay tấm cách nhiệt.
– Nền chuồng bằng bê tông và có độ dốc khoảng 2 – 2,5%.
– Có thể lắp thêm quạt thông gió, nhằm giảm nhiệt và khí độc như CO2 hay NH3 trong chuồng. Tốt nhất là hệ thống chuồng kín có hệ thống quạt hút và cooling pad làm mát không khí.
– Những ngày nắng gắt, bố trí hệ thống vòi phun mưa trên mái chuồng để tăng hiệu quả làm mát. Tuy nhiên cần lưu ý việc thông thoáng và thoát nước nhằm giảm độ ẩm cao trong chuồng.
– Mặt tường ngoài nên sơn hoặc quét vôi trắng để hạn chế bức xạ mặt trời.
Nước uống
– Nước là chất dinh dưỡng quan trọng mà chúng ta bắt buộc phải cung cấp đầy đủ cho heo. Trong thời tiết nóng, nhu cầu nước của heo tăng lên đáng kể. Nếu nhiệt độ nước nóng, heo uống không đủ nước thì lượng ăn vào sẽ giảm.
– Đảm bảo áp lực nước ít nhất 1L/phút và lý tưởng nhất là 2L/phút. Chú ý chiều cao tối thiểu của bồn nước uống là 3m so với mặt nền chuồng.
– Chiều cao của núm uống phù hợp khoảng 0,75m để heo dễ uống.
– Nhiệt độ nước rất quan trọng, nước mát sẽ giúp heo uống được nhiều hơn nước nóng. Nên có mái che mát bồn nước uống và hệ thống ống dẫn.
Theo ksf.com.vn