Mùa đông với thời tiết lạnh và độ ẩm cao làm vật nuôi dễ bị suy giảm sức đề kháng. Hơn nữa, với thời tiết này các loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh dễ phát triển và lây lan gây ra đủ thứ bệnh nguy hiểm. Vì thế mà các hộ chăn nuôi cần phải chủ động tiến hành những biên pháp nhằm bảo vệ vật nuôi.
Cũng giống như việc xây nhà thì việc xây dựng chuồng trại nên xây theo hướng Đông Nam là rất tốt. Bởi lẽ, đây là hướng mát mẻ về mùa hè và ấm áp tránh gió lùa về mùa đông. Nền chuồng trại cần cao ráo (cao hơn mặt đất 40-50cm), phải thoát được nước (độc dốc khoảng 2-3%) và hệ thống xử lý chất thải đầy đủ. Nếu có khả năng bà con nên xây mới hoặc sửa sang nâng cấp chuồng trại cũ cho sạch sẽ. Trong khu vực chuồng cần có ô thoáng để không khí được lưu thông, khi đốt lửa để sưởi khói sẽ được đẩy ra ngoài không tích tụ chất độc lại trong chuồng.
Cách nuôi dưỡng vật nuôi
Đối với thức ăn cần đảm bảo những loại thức ăn giàu dinh dưỡng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu nhăm tăng khả năng chống rét và tăng sức đề kháng. Tăng thêm các loại thức ăn xanh như cỏ, các loại củ quả và vitamin… Ngoài ra, thêm các loại thức ăn bằng tinh bột và đường đầy đủ trong khẩu phần ăn.
Chăn nuôi trâu / bò: cần chú ý cho ăn đủ no. Mỗi một con trâu / bò trưởng thành cần khoảng 30 kg cỏ tươi một ngày. Ngoài ra bổ sung thêm mỗi con thêm khoảng 2kg tinh bột (các loại cám) mỗi ngày.Kết hợp dùng tảng đá liếm để bổ sung khoáng chất cho bò. Nếu trời quá rét cần bổ sung thêm muối ăn với hàm lượng khoảng 5g/100 kg trọng lượng trâu bò bằng cách hòa với nước ấm cho chúng uống.
Chăn nuôi heo: đối với heo thì cũng cần cho ăn đầy đủ dinh dưỡng, liên tục uống nước ấm và bổ sung muối ăn cũng như chất đạm đầy đủ trong khẩu phần ăn.
Bên cạnh đó, bà con cần chủ động dự trữ nguồn thức ăn cho trâu bò, việc này giúp trâu bò đủ sức đề kháng để chống lại giá lạnh. Do vào mùa lạnh nguồn thức ăn vô cùng khan hiếm, việc trang bị kỹ năng kinh nghiệm trong việc dự trữ thức ăn cho gia súc là rất cần thiết. Bà con có thể tham khảo một số cách sau đây:
- Ủ chua thức ăn xanh: Nguyên liệu ủ là: cỏ voi, thân ngô hay các loại cỏ khác… Công thức ví dụ như 100 kh thân ngô + 0,5kg NaCl + 3kg Urê (bổ sung thêm khoảng trên dưới 3% rỉ mật)
- Cỏ khô dự trữ: Được biết đến là loại thức ăn cung cấp nhiều protein, vitamin, gluxit, khoáng chất… cỏ khô dùng để gia súc nhai lại vào mùa đông. Cách dự trữ này khá đơn giản và ít bị hỏng nguyên liệu. Với mức chi phí đầu tư thấp nên bất kể hộ chăn nuôi nào cũng có thể áp dụng. Gia súc có thể ăn với số lượng nhiều mà không lo rối loạn tiêu hóa.
- Chủ động nguồn thức ăn xanh cho gia súc: bằng cách trông thêm các loại cây cỏ bổ sung nhằm tạo nguồn thức ăn ổn định cần thiết cho vật nuôi khi mùa đông đến.
Cách chăm sóc vật nuôi
- Chuồng trại cần được gia cố dùng bạt hoặc nilon để che chắn sao cho đủ ấm tránh gió lùa và mưa tạt. Nền chuồng phải luôn được khô ráo và sạch sẽ. Đối với chăn nuôi đàn giá súc thì cần hạn chế cọ rửa chuồng
- Cần sưởi ấm cho vật nuôi: nếu còn non phải có ô úm riêng, với bóng điện dưởi cần đủ nhiệt từ 22 – 28 độ C. Ngoài ra, có thể dùng trấu, mùn cưa, than củi… để đốt lửa sưởi cho vật nuôi trong chuồng nhưng phải đảm bảo an toàn. Nếu trâu, bò, dê… vào mùa lạnh bà con có thể dùng chăn, tải, quần áo cũ… để may thành áo giữ ấm cho vật nuôi.
- Khoảng thời gian chăn thả gia súc thích hợp: Sáng thì từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều thì từ 13 giờ đến 16 giờ. Tuyệt đối không nên chăn thả gia súc vào lúc sáng sớm hoặc những ngày trời quá lạnh dưới 12 độ C. Lúc này, nên nhốt vật nuôi trong chuồng đã được che chắn đầy đủ và cho ăn uống đảm bảo đầy đủ chất cũng như sưởi ấm cho chúng.
Cách phòng bệnh cho vật nuôi
Cách phòng bệnh chủ động nhất và đem lại hiệu quả cao đó là tiêm phòng vắc xin nhằm chống lại các loại dịch bệnh. Chi phí cho việc tiêm vắc xin phòng bênh này cũng thấp hơn nhiều so với chi phí điều trị thuốc nếu chẳng may vật nuôi bị bệnh. Do vậy bà con cần hết sức lưu ý vấn đề này:
- Phòng bệnh cho heo: tiêm vắc xin tai xanh, dịch tả, phó thương hàn, lở mồm long móng, tụ huyết trùng.
- Phòng bệnh cho trâu, bò: tiêm vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng.
- Phòng bệnh cho dê, cừu: tiêm vắc xin phòng bệnh đậu, lở mồm long móng.
Ngoài ra, cần chú ý một số biện pháp phòng bệnh cho gia súc hiệu quả trong mùa lạnh
- Cửa ra vào khu vực chuồng trại chăn nuôi phải có hố sát trùng. Cần hạn chế tối đa việc đi ra đi vào khu vực chuồng trại.
- Cần đảm bảo việc vệ sinh chuồng trại cũng như khu vực chăn nuôi gia súc hàng ngày. Chuồng trại cần phải sạch sẽ, khô ráo, cống rãnh thoát nước tốt không đọng chất thải. Máng cho ăn, nước uống cần sạch sẽ, không để lưu thức ăn thừa hoặc ôi thiu.
- Chuồng trại cũng như khu vực chăn nuôi phải được sát trùng thường xuyên từ 2-3 lần/ 1 tuần. Mục đích nhằm để tiêu diệt các loại mầm mống vi khuẩn gây bệnh trong môi trường, khiến mầm bệnh sẽ không có cơ hội lây bệnh cho vật nuôi. Những loại hóa chất sử dụng để tiêu độc khử trùng trang trại, dụng cụ chăn nuôi: bioxide, formol, virkon, chloramin… Ngoài ra, cần phun thuốc diệt bọ mạt, muỗi, ve… định kỳ
- Tránh nuôi chung gia cầm, thủy cầm với gia súc.
- Tránh nuôi xen các loại vật nuôi ở nhiều lứa tuổi khác nhau trong cùng một khu vực nuôi.
- Cần cách ly vật nuôi mới trước khi nhập đàn, ít nhất phải sau 2 tuần để vật nuôi khỏe mạnh thích nghi được mới cho nhập đàn.
- Trước khi thả nuôi đợt vật nuôi mới thì chuồng trại phải được vệ sinh và phun thuốc sát đầy đủ.
Bà con cần chú ý theo sõi sức khỏe cho đàn vật nuôi thường xuyên để có chế độ chăm sóc phù hợp cũng như phát hiện và kịp thời xử lý được mỗi khi vật nuôi bị ốm hay chết. Tại địa phương có các cán bộ thú y cũng như chính quyền địa phương quản lý vấn đề này nên bà con cần thông báo để được tư vấn và hướng dẫn cũng như xử lý kịp thời nhằm tránh lây lan dịch bệnh.
Trên đây là một số kinh nghiệm cũng như kỹ năng về cách chăm sóc vật nuôi vào mùa lạnh. Hy vọng bà con sẽ có thêm nguồn để tham khảo và nghiên cứu nhằm giúp ích thêm cho công việc hàng ngày đạt hiệu quả và năng suất cao, tránh được những rủi ro không mong muốn. Chúc bà con chăn nuôi hiệu quả !