Hiện nay, ngành chăn nuôi lợn rất phổ biến, cho năng suất lớn, lãi cao. Vậy các giống lợn nội phổ biến ở nước ta là gì? Có những đặc điểm như nào?
Lợn Móng Cái
Đặc điểm ngoại hình:
Lợn Móng Cái có mõm, bụng và 4 chân màu trắng. Đầu màu đen, giữa trán có một đốm trắng hình tam giác hoặc hình thoi. Chúng có tai đứng, hướng về phía trước, đầu to, bụng xệ, lưng võng, có 12 – 14 vú.
Khả năng sản xuất
Sinh trưởng: Giống lợn này có thời gian sinh trưởng ngắn, thành thục sớm. Con sơ sinh có cân nặng 0,5- 0,7kg/con, khi cai sữa 6 – 8kg/con, 6 tháng tuổi đạt 28,5 – 40kg, 12 tháng tuổi đạt 60kg, lợn Móng Cái trưởng thành đạt 100 -120kg. Lợn Móng Cái thuộc tầm vóc loại nhỏ. Khi mổ thịt ở khối lượng 100kg sẽ cho ra 79% móc hàm, tỉ lệ thịt nạ 38,6%, mỡ lưng dày 4,5cm.
Khả năng sinh sản: Lợn đực có thể giao phối và thụ thai lúc 2 tháng tuổi. Lợn cái động dục lúc khoảng 3 tháng tuổi, thời gian động dục 3 – 4 ngày với chu kỳ khoảng 18 – 25 ngày. Lợn Móng Cái chửa thời gian bình quân 114 ngày, sau 5 -7 ngày cai sữa sẽ động dục trở lại.
Ưu điểm: Lợn Móng Cái là giống lợn mắn đẻ, đẻ sai con, nuôi con rất khéo, khả năng tiêu hóa và lợi dụng thức ăn thô xanh tốt.
Nhược điểm: bên cạnh các ưu điểm tốt lợn Móng Cái cũng có các nhược điểm như ngoại hình yếu, tỷ lệ nạc thấp, bụng xệ, lưng thấp.
Nguồn thức ăn cung cấp cho lợn Móng Cái gồm có:
Tinh bột: bột cám, bột ngô, bã bia, cơm thừa, khoai lang,…
Đạm: khô dầu, đậu tương ép, khô lạc, đỗ tương, bột cá,…
Khoáng: bột xương, bột đá, bột sò,…
Vitamin: rau muống, dây lang, thân cây lạc, thân cây chuối băm, các loại lá rau su hào, bắp cải,…
Lợn Ỉ
Lợn Ỉ có hai loại là lợn Ỉ mỡ và lợn Ỉ pha
Đặc điểm ngoại hình
Lợn Ỉ mỡ hay còn có cái tên khác là lợn Ỉ mặt nhăn. Chúng có mặt ngắn, mũi ngắn, trán nhiều nếp nhăn hằn sâu, mũi cong lên, lông và da màu đen. Giống lợn này thành thục sớm, tầm vóc nhỏ, bụng xệ, lưng gãy, mình ngắn, chân thấp.
Lợn Ỉ pha: cao và dài hơn lợn Ỉ mỡ, bụng gọn, mõm thẳng, mặt không nhăn. Toàn thân, lông và da đều màu đen. Giống lợn này là do lai tạp giữa giống lợn Ỉ với các giống lợn khác.
Khả năng sản xuất
Sinh sản: Lợn Ỉ mỡ có trọng lượng con sơ sinh khoảng 300 – 400g/con. Khả năng sinh sản 8 – 10 con/lứa.
Ưu điểm: Lợn Ỉ có khả năng thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi địa phương, chống chịu với bệnh tật rất tốt, ít khi bị bệnh.
Nhược điểm: khả năng tăng trọng chậm, 12 tháng tuổi đạt trọng lượng 40 – 66kg
Lợn Lang hồng
Đặc điểm ngoại hình
Lợn Lang hồng có mình ngắn, chân thấp, bụng xệ , lưng võng, trên thân có những đám lông đen và trắng.
Khả năng sản xuất
Giống lợn này có khả năng sinh sản tốt, đẻ 10 – 12 con/lứa, mỗi năm đẻ từ 2 – 2,5 lứa. Lợn sơ sinh nặng 300 – 500g/con, lợn cia sữa khoảng 50 ngày nặng 6 – 8kg/con.
Ưu điểm: Giống lợn này khả năng chống chịu bệnh rất tốt
Nhược điểm: Khả năng tăng trọng của lợn Lang hồng thấp, chỉ khoảng 8 – 12kg/tháng. Cho ra 30% tỉ lệ nạc, lượng thịt nạc thấp.
Lợn Mường Khương
Đặc điểm ngoại hình
Giống lợn này có tai to, cụp xuống và rũ về phí trước, trán nhăn, mõm dài thẳng hoặc hơi cong. Màu lông da có đốm trắng ở đầu, đuôi và chân, hoặc đen tuyền, lông thưa và mềm. Lợn Mường Khương có tầm vóc to, chân cao to vững chắc, bụng to nhưng không sệ, lưng không thẳng nhưng cũng không võng lắm.
Khả năng sản xuất
Tốc độ sinh trưởng của lợn Mường Khương chậm. Lợn sơ sinh có khối lượng lớn khoảng 0,6kg. Nhưng từ 4 tháng tuổi trở đi lợn lại tăng trọng thấp. Sau 12 tháng tuổi lợn vẫn còn phát triển và đạt trọng lượng trên 90kg, có con ở 18 tháng tuổi đạt 121,5kg. Lợn Mường Khương có độ tuổi động dục muộn vào lúc 6 – 7 tháng tuổi, đẻ lứa đầu tiên vào khoảng 1 năm tuổi. Số con đẻ một lứa và nuôi sống thấp 5con/lứa, mỗi năm đẻ 1,2 – 1,3 lứa. Giống lợn này có tập quán thả rông, thiếu dinh dưỡng nên khả năng nuôi con khá thấp.
Ưu điểm: Lợn Mường Khương có sức chống chịu với điều kiện chăn thả rông nơi các vùng núi cao, sở hữu tầm vóc lớn.
Nhược điểm: Tốc độ sinh trưởng chậm
Với các giống lợn nội phổ biến đã được đề cập trên, chúc bà con chăn nuôi thành công!!!