Mô hình nông nghiệp tự nhiên – hữu cơ

Mô hình nông nghiệp tự nhiên – hữu cơ

Hiện nay nhiều chuyên gia nông nghiệp trong & ngoài nước đã nhận định, xu hướng chuyển đổi từ nền nông nghiệp hóa chất chuyển sang nền nông nghiệp xanh, tự nhiên, hữu cơ là xu hướng tất yếu khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng tăng cao.

Tính đến nay, Việt Nam có 33 tỉnh, thành phố có mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Mặc dù đi sau so với nhiều nước trên thế giới về các sản phẩm hữu cơ, nhưng sự nỗ lực của nhiều doanh nghiệp cũng như nông dân, đã đưa Việt Nam vào danh sách 170 quốc gia tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Đến thời điểm này, nhiều sản phẩm hữu cơ đã chính thức đặt chân đến các thị trường thế giới như gạo Hoa Sữa của Công ty Viễn Phú Organic & Healthy Food (Cà Mau); lúa gạo với thương hiệu Tâm Việt (Đồng Tháp). Ngoài các sản phẩm trồng trọt, thời gian qua, các sản phẩm của ngành chăn nuôi như vịt, heo thịt, bò sữa, tôm… đang được tiêu thụ tại thị trường trong nước. Điển hình như Tập đoàn TH, hiện đang vận hành trang trại bò sữa hữu cơ với 1000 con. Để có đủ nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng cho đàn bò, Tập đoàn TH đã đầu tư cánh đồng cỏ và bắp hữu cơ hơn 300 ha tại Nghệ An. Đây là một bước tiến vượt bậc của ngành chăn nuôi bò sữa trong nước nói riêng, đồng thời cũng là động lực phát triển chăn nuôi cả nước theo hướng hữu cơ nói chung, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, giảm chi phí sản xuất và có thể duy trì ổn định.

Cà Mau là một trong 33 tỉnh tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cả nước, sản phẩm chủ lực là tôm hữu cơ. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp liên kết sản xuất hữu cơ trên diện tích 20.000 ha, với 4.000 hộ nuôi; trong đó, tôm hữu cơ có sản lượng từ 8000 đến 9000 tấn/năm.

Một số hình nông nghiệp hữu cơ điển hình

Sản xuất rau hữu cơ

Hợp tác xã xóm Mòng, huyện Lương Sơn là vùng sản xuất rau hữu cơ an toàn nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình. Mô hình này được triển khai từ năm 2008 dưới sự kết hợp của nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Để tham gia dự án, nông dân phải trải qua đợt tập huấn kéo dài 3 tháng về phương pháp trồng và cách chăm sóc rau hữu cơ.

Bà con sử dụng giống rau được cung cấp từ trung tâm của tỉnh Hòa Bình. Tham gia mô hình này, bà con không được sử dụng các hóa chất để bón, tưới cho rau, đồng thời, bón phân chuồng ủ hoai mục thay cho phân hóa học. Để phòng trừ sâu bọ, người dân sử dụng các biện pháp truyền thống như bắt sâu bằng tay hoặc pha chế thuốc bảo vệ thực vật từ nhiều loại thảo mộc như gừng, tỏi, ớt rồi ngâm với rượu để phun xịt.

Sản phẩm rau hữu cơ của hợp tác xã Lương Sơn đã được cấp chứng nhận PGS – hệ thống bảo đảm dựa vào sự tham gia của các tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ. Với diện tích trồng 20 ha, các tổ sản xuất tại đây cung cấp khoảng 15 tấn rau sạch mỗi năm cho thị trường.

Thịt lợn hữu cơ

Tại trang trại Bảo Châu, Sóc Sơn, Hà Nội, đàn lợn được nuôi theo phương pháp hữu cơ, kết hợp công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M của Nhật Bản. Người dân chăn nuôi theo quy trình đảm bảo “3 không” là không thức ăn có nguồn gốc từ động vật, không kháng sinh và không chất cấm trong chăn nuôi.

Công nghệ vi sinh hữu hiệu E.M được đưa vào quá trình sản xuất thức ăn, làm đệm lót sinh học trong chuồng trại, giúp người nuôi quản lý các yếu tố về môi trường, dịch bệnh. Cụ thể, toàn bộ thức ăn cho đàn được chế biến từ những nguyên liệu tự nhiên như cám gạo, đậu tương, ngô được nghiền hoặc xay nhỏ bằng máy xay đa năng trộn với chế phẩm E.M, sau đó ủ lên men rồi đưa vào máy ép cám viên để ép thành viên. Thức ăn này chứa các enzym có lợi cho hệ tiêu hóa của lợn, giúp hạn chế tối đa các loại bệnh về đường ruột, đồng thời tăng sức đề kháng.

Bên cạnh đó, toàn bộ nền chuồng, trại được trải bằng lớp mùn cưa có tưới chế phẩm E.M, giúp thấm hút và phân hủy các chất thải. Đối với nền chuồng này, lợn có thể ủi, dũi mà không sợ bị nhiễm bẩn. Ngoài ra, mật độ cá thể trong chuồng nuôi phải tuân thủ quy định, đảm bảo lợn có không gian vận động nhằm tăng sức đề kháng và cho thịt chắc hơn.

Khi đạt trọng lượng hơn 100 kg, lợn sẽ được đem tới khu giết mổ riêng biệt và đưa vào nhà mát từ 0 đến 5 độ C trong vòng 6 giờ sau khi giết mổ. Quá trình này làm giảm độ pH từ 7.5 xuống 5.5, giúp đảm bảo chất lượng thịt. Sau đó, thịt lợn được hút chân không và cấp đông ở âm 20 độ C nhằm bảo quản thịt trong thời gian dài.

Nuôi bò sữa hữu cơ

Những năm gần đây, người dân ở xã Trác Văn, Duy Tiên, Hà Nam đã áp dụng tiêu chí “5 không” trong chăn nuôi bò sữa. Cụ thể là không cám công nghiệp, không thức ăn biến đổi gen, không chất kích thích tăng sữa, không chất bảo quản và không tồn dư kháng sinh.

Khẩu phần ăn của bò gồm 80% là thức ăn tươi xanh lấy từ các loại cỏ tự nhiên và thân, bắp ngô được băm nhỏ bằng máy băm chuối hoặc máy băm cỏ ủ yếm khí; 20% còn lại là thức ăn tinh như bột ngô, bột đậu tương, cám gạo. Chế độ này giúp hệ tiêu hóa của bò hoạt động tốt hơn, đồng thời tăng sản lượng và chất lượng sữa

Hàng tuần, trang trại đều được phun enzym khử trùng một lần, nhằm hạn chế nguồn bệnh ảnh hưởng tới sức khỏe của bò. Ngoài ra, đàn bò thường xuyên được tắm chải, nghe nhạc, chạy nhảy để giữ tinh thần thoải mái và cho ra lượng sữa tốt nhất. Mỗi năm, trang trại bò sữa tại Trác Văn cung cấp 2 triệu lít sữa cho thị trường Hà Nam và Hà Nội.

Ông Peter Niedermeier, Tập đoàn Binca seafoods GmbH Germany, liên kết sản xuất tôm hữu cơ với nông dân Cà Mau chia sẻ: “Sản phẩm hữu cơ trước hết phải thân thiện với môi trường, xã hội và với người tiêu dùng. Hãy cho người tiêu dùng một cơ hội lựa chọn thông qua quá trình truyền thông quảng bá chứ không đơn giản là chào bán một cách bình thường. Chúng ta phải chứng minh cho người tiêu dùng thấy được họ sử dụng sản phẩm đó có nguồn gốc sản xuất như thế nào? Tốt cho sức khỏe của họ ra sao? Nó là một quá trình lâu dài, vất vả, không hề đơn giản cho nhà sản xuất”.

Nguồn: theo TTXVN & VNEXPRESS