I.Rơm rạ
Mục lục
Toggle1.Rơm rạ là gì?
Rơm rạ là phần gốc và thân cây sau một vụ thu hoạch tại những vùng trồng lúa của Việt Nam. Sau mỗi vụ mùa, rơm rạ được phơi khô và tận dụng để đun nấu. Thông thường, rơm rạ được người dân tạo thành những cây rơm ở mỗi gia đình và sử dụng hàng ngày.
2.Công dụng và cách tận dụng rơm rạ
2.1.Phân bón
Sau mùa thu hoạch, nhiều hộ dân đã vùi rơm vào đất như lưu giữ nguồn phân bón cho vụ sau. Việc này giúp duy trì đạm và các-bon trong đất. Đây là phương pháp thông dụng được người dân thực hiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, tối ưu nhất hiện nay là dùng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất hữu cơ trong rơm rạ sau thu hoạch, đồng thời làm tăng vi sinh vật hữu cơ giúp cải tạo đất. Theo tính toán, nếu sử dụng chế phẩm sinh học tốt thì trong một tấn phân bón hữu cơ từ rơm rạ sẽ có 10 kg đạm; 9,5 kg lân và 21 kg kali. Chuyên gia công nghệ sinh học – tiến sĩ Lê Văn Tri phân tích: “Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước khoảng 44-45 triệu tấn được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ. Người dân không phải bỏ tiền mua 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng”. Việc bón liên tục phân hữu cơ rơm giúp cây cứng cáp tránh đổ ngã và hạn chế sâu bệnh, bởi trong rơm rạ có hàm lượng silic khá cao. Và làm giảm nhu cầu sử dụng phân bón vô cơ.
Quy trình ủ phân hữu cơ rơm
- Dùng máy băm đa năng hoặc máy băm cỏ công nghiệp băm nhỏ rơm rạ khoảng 5-10 cm.
- Trộn rơm rạ với phân chuồng và dàn đều ra 20 – 30 cm. Tưới đều nước.
- Tưới dung dịch nấm Trichoderma hoặc các loại chế phẩm vi sinh khác. Phủ bạc để hạn chế thoát hơi nước.
- Trộn đều đống ủ khoảng 7 ngày/lần, có thể tưới nước nếu đống ủ khô nhưng không được để ứ nước.
2.2.Che phủ đất trồng trọt
Tận dụng rơm rạ để che phủ đất giúp hạn chế xói mòn, giảm nhiệt độ mặt đất, tăng độ hấp thu nước, giảm bốc hơi thoát hơi nước. Đặc biệt đối với đồi trọc, khu vực canh tác đồi núi thiếu nước. Giảm cỏ dại, tăng hiệu quả phân bón, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Ngoài ra còn giúp hạn chế lũ lụt, chống lắng đọng do nước mưa cuốn trôi xuống sông hồ gây tắc dòng, đặc biệt là hồ thủy điện.
Cách che phủ đất trồng trọt: Đối với các vùng đất trồng rau củ, hoa cúc lớn, dùng rơm phủ lên mặt đất từ 5-10 cm sau khi gieo trồng, đối với vùng trồng cây ăn trái và các loại cây khác thì phủ dày rơm ở vùng đất xung quanh, hạn chế phủ sát gốc cây trồng chính vì rơm rạ hút ẩm tốt có thể là nguyên nhân gây bệnh. Phủ trước từ 10 – 15 ngày trước khi trồng cây trồng chính. Vùi gốc làm phân bón lót và giữ ẩm rễ đối với vùng thiếu nước.
2.3.Thức ăn chăn nuôi
Một nghiên cứu về sử dụng và quản lý rơm rạ năm 2011 chỉ ra, rơm rạ chứa hàm lượng năng lượng và dinh dưỡng mà gia súc có thể tiêu hóa được. Mặt khác, lượng nhiệt được sinh ra trong ruột con vật ăn cỏ, nên việc tiêu hóa rơm rạ có thể hữu ích trong việc duy trì nhiệt độ cơ thể vào mùa đông lạnh. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo chỉ nên dùng một phần rơm rạ cho gia súc bởi không có hàm lượng dinh dưỡng cao và những cọng rơm cứng có thể gây tổn thương cho động vật.
Rơm rạ có cấu trúc phức tạp, thành phần chủ yếu là cellulose hạn chế lên men nên việc ủ rơm nhằm tăng khả năng hấp thu của trâu bò, tăng dinh dưỡng, thời gian bảo quản và tận dụng nguyên liệu sẵn có làm thức ăn.
Bà con nên dùng máy băm đa năng hoặc máy băm cỏ công nghiệp băm nhỏ rơm rạ cho trâu bò, dê dễ ăn hoặc dễ ủ.
Phương pháp ủ: Hoà tan urê, mật rỉ đường, muối ăn với tỷ lệ 100 kg rơm tươi băm nhỏ + 2.5 kg phân ure + 0.5 kg muối ăn + 5 kg mật rỉ đường. Tưới hỗn hợp lên mỗi lớp rơm ủ 10 cm. Thời gian ủ kéo dài 2-3 tuần. Phủ kín nơi ủ bằng nilon và hạn chế không khí nhằm tăng cường sự hoạt động của vi sinh vật yếm khí.
2.4.Trồng nấm
Theo các chuyên gia, trồng nấm được coi là một trong những phương pháp sinh học tận dụng nguồn rơm rạ hiệu quả nhất. Nấm rất giàu protein và sản phẩm được nhiều người ưa chuộng. Nấm rơm là nguyên liệu nấu ăn tuyệt vời, giàu protein, khoáng chất và còn dễ trồng, thu hoạch nhanh, có thể trồng quanh năm.
Hiện mô hình trồng nấm rơm được nhiều địa phương ứng dụng bởi mang lại nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện đời sống. Có gia đình thu nhập từ nấm mỗi năm lên đến chục triệu đồng. Làm nấm rơm, người dân không cần phân bón vì rơm rạ khi phân hủy đã đủ cung cấp dinh dưỡng cho nấm phát triển. Người trồng cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng cần sự cần mẫn, dành nhiều thời gian theo dõi nhiệt độ và độ ẩm.
Khi trồng nấm cần lưu ý chọn nơi trồng nấm sạch và xử lý kỹ nấm bệnh trước khi đưa rơm vào. Chọn meo giống tốt có tơ màu trắng phủ đều bịch meo. Nước tưới phải là nước sạch nhằm tránh lây nhiễm nấm lạ.
2.5.Sản xuất ethanol
Viện Dầu khí Việt Nam năm 2013 công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng dầu sinh học (bio-oil). Với hiệu suất thu hồi lỏng dầu sinh học, nguồn nguyên liệu rơm rạ của Việt Nam có thể sản xuất được 31 triệu tấn bio-oil mỗi năm để làm nhiên liệu thay thế, đồng thời có thể nâng cấp để sản xuất xăng, dầu diezel trong tương lai gần.
Nếu được ứng dụng vào thực tiễn, người dân có thêm nguồn thu nhập nhờ cung cấp rơm rạ cho các công ty sản xuất nhiên liệu, vừa giải quyết bài toán đốt đồng.
2.6.Sản xuất giấy
Một công ty ở bang Virginia (Mỹ) nhiều năm nay tận thu rơm rạ để làm nguyên liệu sản xuất giấy. Sản phẩm giấy thường có màu sẫm hơn nhưng chất lượng rất tốt. Trung Quốc hay Thái Lan cũng thực hiện công nghệ sản xuất này từ lâu.
Các chuyên gia khuyên Việt Nam nên tận dụng rơm rạ theo cách trên, ban đầu có thể sản xuất giấy làm hàng hóa hay bìa carton với giá thành rẻ. Việc này còn giúp Việt Nam không phải nhập khẩu bột giấy.
Ngoài ra, với công nghệ hiện đại, rơm rạ được chế biến làm ván ép để sản xuất đồ nội thất, làm tường ngăn thay thế cho gỗ. Ở Thái Lan, Indonesia đang rất quan tâm đến việc biến rơm, rạ thành điện năng làm nhiên liệu để chạy máy phát điện.
Rơm, rạ còn được dùng để kê, lót vận chuyển đồ dễ vỡ, bảo quản và vận chuyển trái cây. Rơm, rạ cũng là nguyên liệu để sản xuất sản phẩm mỹ nghệ.
Có thể nói rơm, rạ là nguồn tài nguyên rất quý giá. Nhưng nay đã có nhiều người đã quên mất giá trị của nó trong cuộc sống.
Việc đốt rơm, rạ sau mỗi vụ thu hoạch đang là hiện tượng phổ biến ở nhiều nơi, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa hết sức lãng phí.