Trong quá trình chăn nuôi lợn thịt, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất nuôi lợn thịt. Hãy cùng tìm hiểu về những yếu tố này nhé.
Giống
Giống được xem là tiền đề trong chăn nuôi lợn, các giống lợn khác nhau thì có năng suất và chất lượng thịt khác nhau.
Về năng suất, các giống lợn ngoại có tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với các giống lợn nội.
Hầu hết các giống lợn nội có tỷ lệ mỡ cao, tỷ lệ nạc thấp (35 – 40%), trong khi các giống lợn ngoại nhập lại cho tỷ lệ nạc cao (50 – 60%). Tuy nhiên, các giống lợn nội thường có vị thơm ngon, thớ cơ nhỏ, mịn.
Các giống lợn đã được cải tiến thành thục sớm, khi nuôi thịt tăng khối lượng nhanh, tiêu tốn thức ăn/ kg tăng khối lượng thấp và tỷ lệ thịt xẻ cao hơn các giống chưa được cải tiến.
Các giống lợn có hướng sản xuất khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng thịt mỡ khác nhau: các giống lợn có hướng sản xuất nạc cho tỷ lệ nạc cao hơn các giống có hướng sản xuất mỡ hoặc kiêm dụng mỡ – nạc.
Các giống lợn ngoại trong điều kiện dùng thức ăn tinh để nuôi thì tăng khối lượng nhanh, thời gian nuôi ngắn, tiêu tốn thức ăn/ kg khối lượng thấp, nhưng khi dùng nhiều thức ăn xanh để nuôi thì lợn ngoại tăng khối lượng kém hơn.
Do đó, trong quá trình chăn nuôi lợn thịt cần căn cứ vào điều kiện chăn nuôi thực tế cũng như nhu cầu thực phẩm của từng địa phương để chọn những giống lợn và loại hình với các biện pháp chăm sóc, nuôi dưỡng thích hợp.
Phương thức chăn nuôi
Phương thức chăn nuôi khác nhau có ảnh hưởng khác nhau đến năng suất, chất lượng chăn nuôi lợn thịt. Khi cho lợn ăn tự do đã cho kết quả tăng khối lượng nhanh hơn nhưng tỷ lệ nạc thấp hơn và độ dày mỡ lưng cao hơn khi so sánh với lợn ăn hạn chế.
Phương thức chăn nuôi sạch, kết hợp tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp, tự mình ép viên bằng máy ép cám viên gia đình để làm thức ăn cho lợn là một phương thức hiệu quả.
Thức ăn dinh dưỡng
Thức ăn có ảnh hưởng quan trọng đến thành công của việc nuôi lợn thịt. Nếu khẩu phần ăn cho lợn thịt không đủ về số lượng, thiếu cân đối về thành phần các chất dinh dưỡng thì sẽ dẫn đến tình trạng giảm khối lượng tăng/ngày, kéo dài thời gian nuôi, chi phí thức ăn cao, tăng giá thành sản phẩm.
Ngoài ra thức ăn còn có ảnh hưởng đến phẩm chất thịt lợn một cách rõ rệt. Các nghiên cứu cho thấy rằng:
- Trong thức ăn của lợn thịt có tỷ lệ dầu mỡ từ 4% trở lên thì mỡ lợn sẽ mềm nhão, thịt cũng mềm và không thơm.
- Nếu nuôi lợn thịt mà thức ăn có nhiều gluxit thì phần lớn mỡ, thịt được tổng hợp từ gluxit, protein sẽ có chất lượng tốt. Cho nên, giai đoạn vỗ béo lợn nên dùng thức ăn có nhiều gluxit để nuôi lợn, như vậy sẽ rất kinh tế và đảm bảo phẩm chất thịt mỡ thơm ngon.
- Chế biến thức ăn cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi lợn thịt.
Kỹ thuật chăm sóc và quản lý
Kỹ thuật chăm sóc, quản lý có ảnh hưởng lớn đến năng suất chăn nuôi của lợn thịt. Trong đó, các yếu tố sau có ảnh hưởng lớn nhất:
- Mật độ nuôi nhốt: nếu nhốt quá nhiều lợn/ ô chuồng thì tốc độ tăng khối lượng của lợn sẽ giảm. Số lượng nhốt càng ít thì lợn sinh trưởng sẽ cao hơn nhốt nhiều con/ ô chuồng.
- Nhiệt độ: Khi nuôi lợn thịt cần phải có nhiệt độ thích hợp. Nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh đều ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi lợn thịt. Vì khi trời quá nóng sẽ làm ảnh hưởng đến tính thèm ăn của lợn.
Yêu cầu về nhiệt độ trong quá trình nuôi lợn thịt:
Nhiệt độ thích hợp 18 – 30oC. Nếu nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn mức lý tưởng đều ảnh hưởng xấu đến tiêu thụ thức ăn và sinh trưởng của lợn thịt.
Nhiệt độ cao khiến lợn thở nhiều, giảm ăn, đi phân bừa bãi dẫn đến hậu quả tăng trọng chậm, tiêu tốn thức ăn cao, dễ mắc bệnh.
Chống nóng bằng cách:
- Tạo thông thoáng chuồng nuôi.
- Lợp mái bằng vật liệu cách nhiệt.
- Trồng cây xung quanh chuồng để cản gió và chống nóng.
- Những ngày nắng nóng có thể lắp quạt điện, kết hợp tắm mát cho lợn.
Sức khỏe và khối lượng của lợn con sơ sinh
Thể chất của lợn con khỏe hay yếu, khối lượng sơ sinh cao hay thấp và trong giai đoạn bú sữa sinh trưởng phát dục tốt hay xấu đều có liên quan mật thiết đến thời gian nuôi thịt dài hay ngắn. Trong thực tiễn chứng minh rằng: Những lợn con có khối lượng sơ sinh cao, trong điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng như nhau đem so sánh với những lợn có khối lượng sơ sinh thấp hơn, sau thời gian kết thúc nuôi béo thì lợn có khối lượng sơ sinh cao tăng khối lượng nhanh hơn.
Do vậy tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng tốt lợn nái trong thời gian có chửa để bào thai sinh trưởng phát dục tốt, đạt khối lượng sơ sinh cao là một khâu rất quan trọng, có ảnh hưởng tốt đến khâu nuôi dưỡng chăm sóc lợn thịt sau này.
Tuổi của lợn
Tuổi của lợn nuôi thịt ảnh hưởng đến năng suất chăn nuôi lợn thịt. Lợn non hấp thụ thức ăn tốt hơn lợn già. Hơn nữa trong thành phần hóa học tích lũy của lợn con thì nước chiếm nhiều hơn, mỡ ít hơn khi so với lợn lớn nên tiêu hao ít dinh dưỡng hơn. Trong thực tế, vấn đề tuổi vỗ béo của lợn phụ thuộc vào loại hình sản xuất, phẩm chất của từng giống lợn, điều kiện thức ăn và các điều kiện khác, do đó phải nghiên cứu tuổi vỗ béo cho thích hợp với từng giống lợn để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.
Tính biệt và thiến hoạn
Thiến lợn không những ảnh hưởng đến tăng khối lượng của lợn, mà còn liên quan đến phẩm chất của thịt lợn nữa. Lợn đực nếu không thiến sẽ ảnh hưởng đến chất lượng thịt và tăng khối lượng. Lợn cái nếu không thiến thì cứ khoảng 17 – 24 ngày lại động dục 3 -4 ngày, trong thời gian này lợn thường ăn kém, ảnh hưởng đến tăng khối lượng.
Đối với lợn cái:
- Lợn cái nội và lợn cái lai F1 (đực ngoại x cái nội) thì nên thiến vào lúc 3 – 4 tháng tuổi.
- Lợn cái ngoại và lợn cái lai 3/4, 7/8 máu ngoại khi nuôi thịt thời gian ngắn (5 – 6 tháng tuổi) có thể không cần thiến.
Thời gian nuôi và chế độ nuôi
- Thời gian nuôi dài, lợn có khối lượng cao nhưng tiêu tốn nhiều thức ăn, tốn nhiều công chăm sóc, chi phí chuồng trại và các chi phí khác cao, quay vòng vốn dài và chất lượng thịt kém, thịt lợn có nhiều mỡ.
- Nếu lợn được ăn thức ăn dinh dưỡng tốt và phù hợp với các giai đoạn phát triển của chúng thì năng suất và chất lượng thịt sẽ cao, thời gian nuôi ngắn, đạt trọng lượng xuất chuồng lý tưởng 90 – 100kg.