Những lưu ý cần biết khi nuôi cá vào mùa mưa

Những yếu tố gây ảnh hướng tới cá vào mùa mưa

Nhiệt độ

Thời tiết vào mùa mưa làm môi trường thay đổi đột ngột, mưa làm rửa trôi phèn, các chất hữu cơ, độc tố tích tụ từ bờ xuống ao dẫn đến các yếu tố môi trường trong ao nuôi thay đổi đột ngột và theo hướng bất lợi cho cá nuôi. Hơn nữa vào mùa mưa nhiệt độ luôn thấp và dễ thay đổi, Nhiệt độ thay đổi sẽ làm cá dễ bị sốc. Như chúng ta biết, mỗi loài cá thích ứng với khoảng nhiệt độ khác nhau nên khi nhiệt độ thay đổi bất thường và nằm ngoài ngưỡng chịu đựng của cá thì cá sẽ giảm ăn, chậm lớn và thậm chí là sẽ chết.

Sự thay đổi thất thường về nhiệt độ, độ ẩm và lượng mưa trong mùa mưa lũ là một trong những nguyên nhân làm cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và phát tán; gây hiện tượng sốc môi trường. Các bệnh thường gặp ở cá là là bệnh do ký sinh trùng, nhiễm khuẩn,… ; Triệu chứng đỏ vi, đỏ mỏ, phù đầu, bỏ ăn, trương bụng, xuất huyết các cơ quan.

Tảo

Những ngày trời ít nắng nên tảo sẽ không quang hợp được, ao dễ mất tảo mà tảo sẽ cung cấp oxy, ổn định chất lượng nước. Ngoài ra, tảo còn là thức ăn của cá con. Ao mất tảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với cá nuôi đặc biệt là sự thiếu hụt lượng thức ăn tự nhiên cho cá giống.

Oxy

Oxy hòa tan là yếu tố môi trường quan trọng nhất trong ao nuôi và có từ không khí và hoạt động quang hợp của tảo. Lượng oxy này sẽ được tiêu thụ trong hô hấp của cá nuôi và trong quá trình phân hủy thức ăn dư thừa, phân cá,… Như vậy, khi mùa mưa đến, trời không có nắng nên tảo không quang hợp vì vậy oxy hòa tan sẽ xuống thấp nên cá có thể bị nổi đầu vào bất kỳ lúc nào.

Độ trong

Độ trong cũng là một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến cá nuôi. Trời mưa, lượng các vật chất hữu cơ sẽ tràn xuống ao làm ao trở nên đục hơn. Khi độ đục cao do bùn, sét sẽ làm giảm khả năng hô hấp của cá. Các hạt sét li ti này sẽ bám vào mang cá làm giảm khả năng trao đổi oxy giữa cá với môi trường nước, nếu nặng làm cá bị ngộp và chết.

Một số biện pháp giúp hạn chế, giảm thiểu tác hại xảy ra cho cá vào mùa mưa

Đối với ao, đầm, hồ

Kiểm tra và tu bổ lại bờ ao chắc chắn đảm bảo giữ được nước. Cần phát quang những cành, cây xung quanh bờ, để tránh cành lá rơi vào ao làm ô nhiễm ao nuôi.

Tại cống xả tràn đặt lưới chắn hình chữ V để tăng diện tích thoát nước nhằm tránh cá thoát ra ngoài khi có lũ lụt lớn xảy ra.

Tháo bớt nước trong ao, chuẩn bị đăng chắn, cọc tre để gia cố sửa chữa hệ thống bờ, cống, có lưới chắn phòng tràn bờ gây thất thoát thủy sản nuôi khi mưa to, gió lớn. Rải vôi xung quanh bờ ao phòng nước trôi phèn xuống làm biến động pH ao nuôi.

Sau mưa bão kiểm tra chất lượng nước trong ao nuôi để có các biện pháp điều chỉnh phù hợp như bón vôi (1 – 3 kg/100m2); điều chỉnh màu nước hoặc có thể thay nước khi cần thiết.

Đối với mô hình nuôi cá lúa

Gia cố bờ ruộng chắc chắn và đắp bờ cao hơn mực nước 0,5 m để vượt lũ, xung quanh ruộng nuôi phải bố trí nhiều cống thoát nước.

Phải căng lưới bao xung quanh bờ ruộng, thường xuyên kiểm tra để khắc phục trường hợp lưới rách hoặc nước chảy làm trống dưới chân lưới sẽ thất thất thoát.

Thường xuyên kiểm tra hệ thống cống, bờ, những nơi xung yếu chống tránh tình trạng vỡ bờ. Dọn sạch đăng cống, mương rãnh để nước thoát nhanh.

Chuẩn bị máy bơm tiêu úng khi cần thiết; phương án phòng tránh lũ lụt cần phải được tính toán cho cả vùng nuôi.

Đối với nuôi lồng bè trên sông, hồ

 Kiểm tra lại lồng bè, gia cố hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào nơi kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh mưa gió làm hỏng lồng.

Trong trường hợp lồng không thể di chuyển cần hạ độ sâu của lồng để giảm bớt sóng, gió.

Thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước; treo túi vôi trước dòng chảy để phòng bệnh cho cá.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước lũ  để chủ động đối phó nhằm bảo vệ một cách có hiệu quả.

Rải vôi

Trước và sau khi mưa phải tiến hành rải vôi quanh bờ ao với liều lượng 5 – 10 kg vôi bột/100 m2 ao để hạn chế được lượng bùn sét trôi xuống, làm giảm độ trong ảnh hưởng bất lợi đối với cá. Nếu như ao đã bị đục do bùn sét nhiều, bà con có thể dùng cỏ khô, phân chuồng hoặc rễ cây họ đậu cho xuống ao. Chúng sẽ làm trong nước nhưng hơi chậm. Ngoài ra bà con có thể rải vôi bột trên mặt ao để lắng tụ các hạt li ti, làm trong nước. Nếu phát hiện đàn cá nuôi có biểu hiện giảm ăn, nhào lộn dữ dội, trên da và mang có nhiều nhớt, cá bệnh chết với số lượng ít và tăng không đáng kể thì thực hiện việc hòa tan vôi bột trộn với muối hột tạt xuống ao với liều lượng 5 kg vôi bột cộng 5 kg muối sử dụng cho 100 m2 ao trong 3 ngày liên tục.

Thay nước

Thay một phần nước tầng mặt khoảng 30 – 50 cm để làm tăng độ trong. Nước mưa có tính acid, do đó sau khi mưa bà con nên tháo bỏ lớp nước tầng mặt để tránh hiện tượng giảm pH. Trong những ngày này, bà con cần giữ mực nước cao trên 1,5 m trong ao để ổn định được sự thay đổi nhiệt độ, giảm sốc cho cá.

Hạn chế thay nước cho ao trong thời điểm nước dâng đầu mùa và nước rút cuối mùa do lúc này nguồn nước thường bị ô nhiễm từ nước sinh hoạt, nước có nhiều dư lượng thuốc BVTV trên ruộng.

Giảm thiểu mật độ nuôi

Mật độ nuôi không nên quá cao, vì hiện tượng thiếu oxy hòa tan rất dễ xảy ra. Mật độ thích hợp với từng đối tượng nuôi sẽ tránh được tình trạng này.

Giảm lượng ăn

Trong quá trình cho cá ăn bà con cũng cần lưu ý là giảm lượng ăn khoảng 20% vào những ngày có mưa nhiều, nhiệt độ giảm thấp. Vì khi đó cá sẽ giảm ăn.

Bổ sung thức ăn được lên men ủ với mùi kích thích khả năng ăn nhiều, giúp tăng cường tiêu hóa, bảo vệ đường ruột cho cá.

Bổ sung vitamin C

Trong suốt quá trình nuôi bà con nên trộn vitamin C vào thức ăn với liều lượng và cách sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất để tăng cường sức đề kháng của cá đối với những biến động bất lợi của môi trường.

Vệ sinh môi trường

Mua mưa lũ, xác các loài động thực vật, cỏ, rác chứa nhiều chất gây hại cho tôm, cá sẽ theo nước mưa chảy xuống ao gây nhiễm bẩn có thể làm cá chết hàng loạt; cỏ rác cũng là nơi trú ẩn của các dịch hại, cần phải dọn sạch cỏ, rác ở bờ ao trước khi mùa mưa đến.

Ở những nơi đất nhiễm phèn, ao mới đào hay mới cải tạo đáy phèn tiềm ẩn ở bờ ao sẽ theo nước mưa chảy xuống ao làm pH giảm đột ngột, gây sốc làm cho cá chết hàng loạt, nên cần dùng vôi bột rải khắp bờ ao trước khi có mưa với lượng 10 – 15 kg/ 100 m2 bờ.

Khi lấy nước vào ao nuôi giai đoạn này cần chú ý đến chất lượng nước, bởi nước lũ từ thượng nguồn chảy qua ruộng, khu dân cư mang theo nhiều mầm bệnh có thể làm bệnh phát sinh; khi lũ rút, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trở lại, các loại hóa chất trong nông nghiệp gây độc hại cho cá nuôi, làm thay đổi các điều kiện sinh thái môi trường của các vùng bị ngập nước và làm chất lượng nước thay đổi.